Khu di tích Địa đạo Củ Chi

Khu di tíchDu khách được ăn uống thử dưới địa đạo những món ăn của cư dân địa đạo trước đây

Hiện nay, Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi (trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Hồ Chí Minh) trực tiếp quản lý cả hai di tích địa đạo Bến Dược và địa đạo Bến Đình. Khu di tích gồm có hệ thống địa đạo (Bến Dược, Bến Đình), đền Bến Dược, khu quản trị, khu dịch vụ, khu vực tái hiện vùng giải phóng và vành đai diệt quân Mỹ, khu du lịch sinh thái - giải trí ven sông Sài Gòn.

Ngày 27/12/2015, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ khánh thành Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, kỷ niệm 20 năm ngày truyền thống khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi (19/12/1995 - 19/12/2015). Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định khởi công từ ngày 18/02/2010, nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi với diện tích 13,5ha, gồm khu đền thờ, nhà văn bia, khu lễ, khu hồ sen, cầu đá, cảnh quan đặc trưng Tây Nam Bộ.[1]

Bến Dược là tên gọi của vùng đất Phú Mỹ, Phú Thuận từ năm 1929, hiện nay thuộc xã Phú Mỹ Hưng. Trước đây, nơi đây là địa điểm vượt qua sông Sài Gòn để đi qua các tỉnh Đông Nam Bộ khác. Giai thoại kể rằng, nguyên là tên Bến Vượt, nhưng do cách phát âm của người Nam bộ, đã bị biến âm, nói trại đi thành "Bến Dược".[cần dẫn nguồn]